16/11/2020
Nếu bạn có theo dõi sự kiện One more thing đêm 10/11 vừa qua, chắc hẳn bạn sẽ không lạ gì những màn phô trương, khoe mẽ sức mạnh của ‘siêu sao’ M1 từ vị trí ‘ông bầu’ Apple. Hãng không ngại mang ra những con số gấp đôi, gấp ba để miêu tả sức mạnh của Apple M1 với các đối thủ khác.
M1 xây dựng trên tiến trình 5 nm mới nhất với 16 tỷ bóng bán dẫn, CPU nhanh hơn 3.5 lần, GPU nhanh hơn 6 lần và NPU nhanh hơn đến 15 lần, so với thế hệ cũ. Theo như Apple công bố, M1 đang có tốc độ xử lý CPU nhanh hơn gấp đôi ‘chip PC laptop mới nhất’ ở mức 10W. GPU thì cũng nhanh hơn xấp xỉ gấp đôi tùy điều kiện. Khả năng của Apple M1 còn được Apple thể hiện qua việc nó có thể chạy phần mềm tốt các phần mềm như Final Cut Pro, Pixelmator Pro,... hay chạy mượt file footage 8K.
Tuy Apple không chỉ thẳng tên gọi của vi xử lý được hãng đưa vào tham chiếu là gì, nhưng qua cách mà hãng tự tin về Apple M1 cũng có thể phần nào an tâm về sức mạnh của thế hệ Apple Silicon đầu tiên này. Một vài người dùng đã phát hiện rằng Apple M1 sẽ không hỗ trợ eGPU rời, có nghĩa ở những tác vụ chuyên biệt vi xử lý này vẫn chưa thể đạt ngưỡng tối đa như các ông lớn lâu năm như Intel hay AMD.
Đúng là với Apple - cha đẻ của MacOS thì việc tùy biến lại hệ điều hành này để nó hoạt động mượt mà trên nền tảng xử lý ARM có không quá khó. Bởi chính ngay trong sự kiện, Apple cũng đã tuyên bố họ sẽ tối ưu lại MacOS Big Sur để hoạt động tốt nhất trên nền tảng Apple M1.
Để giải quyết khó khăn cho các nhà phát triển, hãng sẽ hỗ trợ tối đa khi tạo ra công nghệ cho phép các lập trình viên chuyển đổi dễ dàng. Tuy nhiên, việc này sẽ tốn thời gian, tiền bạc cho kiểm duyệt, giải quyết lỗi phát sinh, chỉnh sửa giao diện lại các app vốn không chạy trên PC hay laptop hoặc ngược lại.
Bỏ qua các khó khăn đó mà nhìn về mặt tích cực, việc tạo ra Apple M1 đang giúp con đường thống nhất, làm chủ về cả phần cứng và phần mềm trong hệ sinh thái Apple nhanh hơn. Giờ đây, Mac cũng giống với iPhone hay iPad khi Apple sẽ quản lý toàn bộ, đưa ra quyết định mà không bị phụ thuộc bên thứ ba.
Khác biệt về phần cứng giữa Mac và các thiết bị còn lại trong hệ sinh thái Apple sẽ bị xóa nhòa. Cùng với việc là ông trùm về tối ưu phần mềm thì Apple sẽ còn tiến xa hơn trong khâu cải thiện trải nghiệm của người dùng, giờ đây Mac sẽ sử dụng chung luôn ứng dụng trên iPhone, iPad.
Đối với các nhà phát triển, Apple M1 sẽ cho họ mở rộng cơ hội được tiếp cận với tập người dùng rộng hơn, từ cả 2 chiều Mac lẫn iPhone hay iPad. Người dùng thì sẽ được thoải mái sử dụng cùng một ứng dụng trên nhiều hệ thiết bị khác nhau, không phân biệt pc hay mobile.
Mặc khác nhiều người kỳ vọng, nếu Apple làm chủ được công nghệ này, tương lai toàn bộ các máy Mac đều sẽ dùng vi xử lý nhà làm và có thể không chỉ là CPU mà thậm chí là GPU. Dẫn đến viễn cảnh mức giá dành cho máy Mac sẽ rẻ hơn hiện tại hay chí ít sẽ không tăng.
Tuy nhiên, nhiều giả thuyết đặt ra sẽ ra sao nếu Apple M1 là sản phẩm thử nghiệm và chưa ổn định. Bởi việc hãng vẫn đang sử dụng song song cả chip Intel lẫn Apple M cho các dòng MacBook Air, Pro hay Mac mini, cũng chưa có lộ trình thay thế chính thức.
Nhưng cũng phải hiểu dù tự tin đến đâu Apple cũng sẽ không mạo hiểm mà thay thế toàn bộ Intel Core I thành Apple M1 ngay lúc này được. Bởi dù có chứng minh là Apple M1 mạnh đến đâu thì hiện giới hạn của một vi xử lý ARM vẫn chưa thể thay thế 100% tác vụ của một con chip PC thuần túy.
Rào cản về mặt tâm lý khách hàng, khi đây vẫn chỉ mới là thế hệ đầu tiên bước ra từ phòng thí nghiệm. Do đó để an toàn nhất, hiện Apple chỉ nên mang M1 lên các dòng MacBook Air và Pro 13 inch trước, đây là những sản phẩm dễ tiếp cận với người dùng hơn. Chắc sẽ còn khá lâu nữa để các vi xử lý ARM đạt trình đến sức mạnh của những Intel Core mạnh mẽ nhất.
Nhưng hy vọng trong tương lai Apple sẽ chứng minh được, tham vọng họ đang đặt đúng chỗ. Và tương lai gần sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất khác mạnh dạn chuyển đổi.