Các điện thoại Android vẫn vướng nhiều rào cản để có được thiết kế viền mỏng như iPhone X

03/03/2018

Một trong những xu hướng thu hút sự chú ý của mình nhất ở sự kiện MWC18 đó là việc quá nhiều điện thoại Android bắt đầu sử dụng "tai thỏ" theo cách mà Apple đang dùng cho iPhone X. Asus ZenFone 5, mẫu LG G7 bị hủy bỏ, một số công ty Trung Quốc như Noa, Doogee, Leagoo cũng làm ra thiết kế tương tự mặt trước iPhone X. Chưa hết, chiếc OnePlus 6 và loạt tầm trung Huawei P20 Lite cũng có thể sẽ dùng "tai thỏ". Tất cả những điều trên cho thấy các nhà sản xuất smartphone Android thật sự muốn làm màn hình viền mỏng, và không chỉ mỏng hai bên như Galaxy S8, S9 mà mỏng đều cả 4 cạnh trên dưới trái phải. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề ở chính các máy Android này cũng như từ Google khiến việc ứng dụng màn hình viền mỏng chưa được tốt trong thế giới Android.

Đầu tiên, tại sao lại là tai thỏ? Lý do Apple làm tai thỏ là để họ có thể giữa cho 4 viền của màn hình mỏng đều như nhau, và có lẽ iPhone X là chiếc điện thoại đầu tiên làm được chuyện đó. Mi Mix, Sharp Aquos và những thiết bị viền mỏng ra mắt nhiều năm trước chỉ làm mỏng 2 hoặc 3 cạnh mà thôi, cạnh dưới vẫn còn dày lắm. Chỗ lồi duy nhất trên iPhone X sẽ là nơi chứa cảm biến TrueDepth phục vụ cho tính năng unlock bằng gương mặt. Nói cách khác, cục lồi này xuất hiện là có lý do của nó và lý do đó hợp lý - dù bạn có thích hay không.

Nếu bạn nhìn kĩ vào Galaxy S8, Note 8 hay gần đây là Galaxy S9 và S9 Plus, bạn vẫn sẽ thấy được rằng việc các máy này gần như không có cạnh trái phải chỉ là hiệu ứng thị giác có được nhờ màn hình cong (ai bảo màn cong là vô dụng?), hai mép sát khung kim loại vẫn có viền đen đấy. Viền đen này mỏng và không nhìn thấy khi sử dụng bình thường, đó là điểm cộng của Samsung. Hai cạnh trên và dưới vẫn còn khá dày, chưa mỏng được như iPhone X, nhưng ít nhất Samsung cũng không làm vướn màn hình của bạn chỉ để máy đẹp hơn.

Và quan trọng hơn, S8, S9 hay Note8 nhìn vào vẫn biết ngay là điện thoại Samsung, không nhầm lẫn và không giống iPhone X chút nào. Samsung giờ không còn như xưa, họ đã có khả năng tự tạo cho mình một chất riêng, khác biệt so với phần còn lại của thị trường.

Những sản phẩm mới như ZenFone 5 5 hay LG G7 hay OnePlus 6 muốn khắc phục nhược điểm trên thiết kế tràn viền của Galaxy S Series bằng cách cố gắng làm mỏng luôn cả hai cạnh trên dưới để đạt gần nhất tới thiết kế 4 viền mỏng đều nhau của iPhone X. Tuy nhiên, chưa máy nào làm được chuyện này kể cả khi họ dồn loa thoại, cam trước và cảm biến tiệm cận vào một chỗ lồi "tai thỏ". Hai viền trên dưới vẫn còn dày, thường là dày khúc dưới, nên ý đồ ban đầu của các hãng này vẫn chưa thành công, vẫn chưa có cái máy nào mỏng được đều 4 viền cả.

Ngoài ra, chính vì khúc "tai thỏ" nên kết quả là các máy này giống y chang như iPhone, chỉ khác ở chỗ chúng chạy Android! Asus nói phần lồi tai thỏ của họ ngắn hơn iPhone X, nhưng người dùng bình thường có quan tâm không và tại sao lại phải quan tâm?

Cũng may là Asus cũng khá kĩ khi làm tai thỏ. Đầu tiên, họ tinh chỉnh lại hệ thống thông báo của Android để nó tự ẩn bớt đi khi đụng "tai thỏ", chỉ khi nhấn hiển thị thêm thì chúng mới bung ra tiếp. Tiếp theo, tai thỏ sẽ tự động biến mất bằng cách lấp đen hai bên mỗi khi bạn xem hình hoặc video fullscreen. Điều này giúp cho cảm giác xem không bị tai thỏ gây khó chịu mặc dù mình biết có rất nhiều người dùng iPhone X không hề cảm thấy khó chịu bởi cặp tai thỏ này. Đây cũng chính là lý do Asus làm tỷ lệ màn hình của Zenfone 5 là 19:9 thay vì 18:9. Sự dài ra thêm đó là để bù cho khúc tai thỏ tự động ẩn đi.


ZenFone 5 và iPhone X. Cái nào là ZenFone 5? Ảnh Mashable

Chuyện còn chừa lại một khúc màn hình trên dưới có thể xuất phát từ rào cản kĩ thuật và chi phí, họ không có đủ khả năng mua loại tấm nền mà Apple dùng (nghe nói đến 100-120$/tấm) vì khi đó giá bán thiết bị sẽ đội lên rất nhiều nên đành mua một loại màn hình khác gần giống nhưng giá thấp hơn. Cũng có thể đơn giản là các kĩ sư, nhà thiết kế công nghiệp của những hãng này không đủ khả năng thiết kế ra sản phẩm mỏng đều 4 cạnh (chủ yếu ảnh hưởng từ cách sắp xếp linh kiện bên trong).

Chúng ta sẽ không bao giờ biết được lý do cụ thể cho việc không làm viền mỏng đều, nhưng rõ ràng họ đang muốn copy iPhone X nhưng ngặt cái là làm chưa tới. Thà như Samsung, nhất quyết không đi copy tai thỏ và giữ lại điểm đặc trưng cho sản phẩm của mình. Hay như Sony, HTC và Nokia chẳng hạn, họ chỉ làm mỏng hai bên và chấp nhận không đụng vào cạnh trên dưới của màn hình luôn.

Tuy nhiên, ngoài chuyện các nhà sản xuất vẫn chưa làm được thiết kế viền mỏng như iPhone X thì vẫn còn một rào cản nữa cho chuyện phổ cập màn hình tràn viền: Google. Ba phím ảo back, home, recent app vẫn còn chiếm một diện tích lớn nên ngay cả khi viền màn hình thật mỏng thì vẫn không có được cảm giác nội dung, chữ nghĩa, hình ảnh tràn ra đến sát bàn tay đang cầm điện thoại. Nhiều máy giờ cho phép ẩn hàng phím đi, nhưng mỗi lần cần tới chúng là phải gọi lên lại để xài, rất bất tiện.

Đó là lý do mà các hãng như Xiaomi, ViVo, Oppo phải tự mình triển khai tính năng cử chỉ cảm ứng để thay cho phím back, home, recent apps. Một số máy không được hỗ trợ sẵn thì người dùng phải đi cài thêm app từ ngoài vào. Có thể bạn sẽ nói là Xiaomi, ViVo, Oppo làm vậy là copy Apple, nhưng có sao đâu? Apple cũng làm theo BlackBerry, BlackBerry cũng làm theo Palm webOS đấy thôi. Cái quan trọng nhất là thao tác này vừa tiện cho người vừa giúp khai thác tối đa màn hình viền mỏng, không còn bị vướng một mảng lớn cho nút ảo nữa.


ViVo Apex X, một trong những chiếc điện thoại viền mỏng mới xuất hiện

Điều này cho thấy Google vẫn chưa bắt kịp xu hướng mới của thị trường và không kịp đổi theo các đối tác phần cứng của mình. Bản thân Google với chiếc Pixel 2 XL cũng sở hữu viền mỏng nhưng trải nghiệm viền mỏng này vẫn không bằng được iPhone X. Google sẽ phải thay đổi Android rất nhiều để đưa một giải pháp thay thế cho hàng phím ảo này. Chuyện này khó đấy, vì các thao tác back đã được gắn sâu vào trải nghiệm của rất nhiều app, nếu chuyển sang thao tác vuốt hay một thứ nào đó khác có thể sẽ ảnh hưởng tới cách mà bạn dùng app, nhưng thay đổi này là cần thiết và các lập trình viên bên thứ ba phải cùng Google thay đổi Android theo hướng có lợi hơn cho khách hàng, những người đem tiền đến cho họ.
 

Ảnh đầu bài: The Verge

 

123

123

123

123

123
123