Nhìn lại sự ảnh hưởng của iPod với thế giới công nghệ

31/07/2017

"Với iPodApple đã sáng tạo ra một thể loại máy chơi nhạc số mới cho phép bạn bỏ cả bộ sưu tập nhạc vào trong túi và nghe bất kì nơi đâu bạn muốn", Steve Jobs đã nói như thế khi Apple ra mắt chiếc iPod vào năm 2001. "Nhờ có iPod, việc nghe nhạc sẽ hoàn toàn thay đổi". Thật vậy, nhờ iPod, cách người ta thưởng thức âm nhạc đã chuyển sang những thiết bị có khả năng di động cao, và nhìn rộng ra cả ngành điện tử tiêu dùng, iPod có thể xem như một cú hích để rất nhiều thứ khác thay đổi theo và nhờ đó, chúng ta mới có những thiết bị kết nối thông minh, có những dịch vụ bán nhạc mới, và có cả một thị trường phụ kiện di động trị giá nhiều tỉ đô la.

1.Thay đổi ngành điện tử tiêu dùng

Chỉ trong 10 năm, iPod đã có ảnh hưởng lớn tới mức nó trở thành một biểu tượng của những thiết bị chơi nhạc số, một tường đài mà không ai có thể lật đổ được. Như thường lệ, Apple không phải là công ty đầu tiên giới thiệu thiết bị này, vậy tại sao iPod lại có thể giành chiến thắng trước các đối thủ khác?

Theo lời Jonathan Seff, biên tập viên trang Macworld, "iPod không phải là máy chơi nhạc MP3 đầu tiên, nhưng nó cải thiện được những vấn đề mà các sản phẩm khác trên thị trường gặp phải. Nó có thể chứa được nhiều bài nhạc hơn, iPod sử dụng FireWire để kết nối với máy tính đồng nghĩa với tốc độ nhanh hơn so với USB 12Mbps mà mọi người đang xài ở thời điểm đó. Chưa kể tới combo phần cứng và phần mềm (iTunes) giúp mọi người quản lý thư viện nhạc của mình đơn giản hơn so với những giải pháp khác."

Tới năm 2012, năm mà iPod không còn được phát triển một cách tích cực và cũng không còn là sản phẩm trọng tâm của Apple, nó vẫn chiếm tới 70% thị phần thị trường máy nghe nhạc di động và là dòng máy MP3 bán chạy nhất tại nhiều quốc gia. Các đối thủ khác vẫn xuất hiện, nhưng họ phải đánh nhau giành những miếng bánh quá nhỏ.
 

iPod_Classic.jpg


Một số người khác thì xem iPod như một nhân tố có ảnh hưởng lớn đến những thiết bị kết nối mà sau này chúng ta sử dụng, ví dụ như điện thoại, máy tính bảng và những món đồ khác có thể vào Internet nói chung. iPod thành công không chỉ vì nó là một thiết bị tốt, nó còn được kết nối với phần mềm và dịch vụ tốt. Hiện nay xu hướng này vẫn thế, ví dụ điện thoại Android sẽ không thể nào phát triển mạnh nếu không có các dịch vụ Google, máy chỉ đường GPS có tốt tới đâu cũng không hữu dụng nếu không có dịch vụ bản đồ chính xác và được cập nhật kịp thời, và Smart TV cũng sẽ khó tiếp cận người dùng nếu không có hệ sinh thái app và nội dung xoay quanh. Các thiết bị Internet of Things cũng trở nên vô dụng nếu không có một trung tâm xử lý tốt và không có các dịch vụ có khả năng tiêu thụ dữ liệu mà các thiết bị này sinh ra.

Và nhờ những thiết bị như iPod, người tiêu dùng bị hút vào thế giới của việc kinh doanh nội dung số, vốn cũng là một nguồn thu nhập lớn đối với nhiều công ty. Như Amazon chẳng hạn, họ bán Kindle Fire rất rẻ nhưng sẽ bù lại tiền từ các khoản chi mua sắm app, nhạc, phim, sách và vật phẩm của người dùng. App Store, Play Store cũng là những ví dụ tiêu biểu cho việc này, chúng đang mang tới những nguồn lợi lớn cho nhiều nhà phát triển cá nhân cũng như dưới hình thức công ty.

Thời đại của các thiết bị kết nối giờ đã tới lúc đơm hoa kết trái. Trong tương lai rất gần, chúng ta có thể thưởng thức được tất cả mọi thể loại nội dung ở bất kì nơi nào mà chúng ta muốn, chúng ta có thể xài bất kì thiết bị nào mà chúng ta thích, từ những thiết bị nhỏ nhỏ bé bé nằm được trong túi cho đến máy tính, TV, xe hơi và hơn thế nữa".

2. Thiết kế có sức ảnh hưởng

Thiết kế của iPod rất đặc trưng và nổi bật. Nhiều bảo tàng về thiết kế và công nghệ trên thế giới trưng bày iPod như một cách giới thiệu đến thế hệ sau những gì mà người đi trước đã làm được về mặt thiết kế công nghiệp cho một thiết bị nhỏ gọn. Và cũng nhờ iPod, Jonathan Ive - phó chủ tịch mảng thiết kế của Apple - đã được vinh danh ở nhiều giải thưởng trên thế giới.

Peter Zec, CEO của Hiệp hội Red Dot chuyên trao giải thưởng cùng tên cho những sản phẩm có thiết kế tốt, cho biết: "Một trong những lý do khiến iPod thành công đó là nó có thiết kế không lẫn vào đâu được, đó là một thiết kế đơn giản, hấp dẫn và tận dụng được những vật liệu chất lượng cao (ví dụ như thép không gỉ). Nhóm thiết kế của Apple, dẫn đầu bởi Ive, đã tuân theo những quy định khắt khe để làm ra những thiết kế có thể dùng trong dài hạn. Chiếc iPod đầu tiên mang dáng vẻ rất Apple, phù hợp với những sản phẩm lúc đó của Apple, các model sau đó cũng thế nhưng mang dáng vẻ unibody của những chiếc iMac và MacBook Pro ngày nay".
 

IPod_iPhone_thiet_ke_cong_nghiep.jpg


Zec nói tiếp: "Không nhiều thiết bị có khả năng định hình lối sống của cả một thế hệ, tìm được đường vào nền văn hóa của giới trẻ, và trở thành một đại diện của cả một nhóm ngành sản phẩm như iPod".

Nói về tính dễ dùng, iPod cũng đặt ra những nền tảng quan trọng cho cách mà người dùng tương tác với thiết bị số. Không cần những cái nút phức tạp, không cần những cần gạt làm rối người dùng, iPod chỉ có duy nhất một vòng tròn và nó có thể làm được tất cả mọi thứ người dùng cần để duyệt qua thư viện nhạc khổng lồ của mình, theo một cách vô cùng đơn giản và trực quan. Sau này, thiết kế giao diện của những thiết bị màn hình full cảm ứng cũng đi theo con đường như vậy: tối giản, trực quan, và nghĩ tới người dùng thay vì cố gắng làm cho mọi thức phức tạp để nhìn ngầu hơn.
 

Hoai_niem_iPod_thay_doi_thi_truong_nghe_nhac_MP3_3.png


Như lời Joshua Porter, nhà thiết kế tương tác và cũng là chủ tịch mảng trải nghiệm người dùng của HubSpot (một dịch vụ, hệ thống quản lý quan hệ khách hàng nổi tiếng): "iPod có ảnh hưởng lớn tới UI và UX của các thiết bị điện tử tiêu dùng, nó hoàn toàn thay đổi cuộc chơi kể từ ngày nó xuất hiện". Porter nói rằng giao diện của iPod được tối ưu cho mục đích chơi nhạc, còn vòng xoay Click Wheel không chỉ hữu ích mà còn tạo được sự vui vẻ khi sử dụng trong khi thiết kế tổng quan của máy giúp người dùng dễ cầm nắm hơn. "Apple là công ty đầu tiên thật sự nghĩ một cách thấu đáo về việc mua, sắp xếp và nghe nhạc - họ thiết kế hệ sinh thái của mình để làm cho quy trình này trở nên thú vị - một trải nghiệm tốt từ đầu đến cuối".

Ngay cả cách Apple chọn thiết kế cho tai nghe của iPod cũng rất đáng chú ý. Ban đầu người ta cứ tưởng là Apple làm như vậy chỉ để đẹp thôi, nhưng ít ai ngờ rằng về sau chiếc tai nghe này cũng đã trở thành một thứ dùng để quảng cáo cho chính iPod và nó cũng mang tính đại diện cao không thua gì chiếc máy nghe nhạc này. "Tôi thậm chí còn nghe vài người nó rằng họ phải chuyển sang xài tai nghe đen do bọn trộm thích lấy những chiếc tai nghe trắng lắm!".

3. Thay đổi ngành âm nhạc

"Vào những ngày đầu của iPod và iTunes, Apple được xem như là một hiểm họa của ngành âm nhạc và những thiết bị nghe nhạc của Apple khiến cho người ta ăn cắp tác quyền âm nhạc nhiều hơn (nói cách khác: download nhạc lậu nhiều hơn).", Patrik Wikström, tác giả cuốn sách The Music Industry - Music in the Cloud, cho hay.

Vào thời đó, các nhà sản xuất âm nhạc cho rằng hầu hết những bài nhạc có mặt trên iPod của người tiêu dùng đã được download bất hợp pháp. iPod và iTunes giống như những bánh răng trong cỗ máy vi phạm bản quyền nhạc số và cũng là yếu tố đóng góp cho sự thu hẹp của doanh số bán đĩa CD. Phải đến năm 2003, khi iTunes Music Store xuất hiện, thì ngành công nghiệp nhạc số mới tin rằng Apple đang cố gắng giúp mình. "Đây là một bước đi quan trọng để Apple thuyết phục các hãng ghi âm lớn bán nhạc cho iTunes".
 

iTunes_Music_Store.jpg


Wikström nói rằng mặc dù iTunes đã sinh ra rất nhiều tiền và làm cho nhiều hãng ghi âm phất lên nhưng ngành âm nhạc vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong thập kỉ qua. "iTunes kéo dài sự phụ thuộc của ngành nhạc vào những mô hình kinh doanh cũ, nó khiến người ta tin rằng họ có thể có thể dịch chuyển từ CD sang MP3 cũng như cách mà họ ngừng làm đĩa vinyl để làm nhạc CD. Dù đây chỉ là phỏng đoán nhưng tôi nghĩ rằng iTunes đã giúp trì hoãn việc thay đổi mô hình bán lẻ nhạc sang mô hình stream nhạc như chúng ta đang thấy ở Spotify hay Apple Music".

4. Thị trường phụ kiện

Không một thương hiệu máy nghe nhạc MP3 nào lại được làm nhiều phụ kiện như iPod. Từ những công ty tên tuổi cho đến những thương hiệu nhái của Trung Quốc, có rất nhiều món đồ đã được làm ra cho iPod như bao cao su bảo vệ, dán màn hình, dán vòng click wheel, dây cáp sạc cho đến loa tích hợp dock cắm cho iPod và thậm chí là cả những sản phẩm thể theo của Nike. Thậm chí người ta còn làm remote hay phụ kiện xe hơi cho iPod nữa chứ.

Evan Stein, giám đốc marketing của iHome (công ty sản xuất chiếc radio iPod đầu tiên), giải thích như sau: "iPod là một hiện tượng văn hóa toàn cầu, nhờ tính đa dụng của nó (hình ảnh, nhạc, video...) mà iPod đã định nghĩa lại những thứ người dùng có thể kỳ vọng ở một thiết bị điện tử, và nó đã tạo ra một ngành công nghiệp trị giá nhiều tỉ đô la để các phụ kiện dùng với iPod sinh sôi nảy nở".
 

phu_kien_Apple_iPod.jpg ​


Mối quan hệ của các hãng làm phụ kiện với iPod là cộng sinh nhau và cùng nhau phát triển. Nó cũng tự tiến hóa và các bên cần phải thích nghi lẫn nhau. Ngoài ra, thị trường phụ kiện rất thích iPod vì Apple càng bán được nhiều máy thì các hãng phụ kiện càng có nhiều khách hàng hơn, và càng có nhiều phụ kiện hay ho thì xác suất người ta mua iPod cũng cao hơn.

Mối quan hệ này không chỉ dừng lại ở iPod mà nó đã phát triển cho cả iPhone sau này. Hàng tá những thiết bị dành cho iPhone đã được sản xuất với chức năng như xuất hình ảnh ra màn hình, loa, tai nghe, case, pin mở rộng... Đa số những hãng làm phụ kiện iPhone cũng đã từng làm phụ kiện cho iPod, họ biết trước cần làm gì, cần chuẩn bị những thông số kĩ thuật như thế nào để tương thích với sản phẩm Apple, và họ cần quảng bá phụ kiện của họ ra sao. Nếu không có iPod, không biết thị trường phụ kiện cho iPhone sẽ ra sao.

5. Thay đổi cách nhìn của người dùng về Apple

iPod có ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ của người dùng về Apple. Trước khi iPod xuất hiện, Apple vẫn chỉ là một công ty làm máy tính đối với đại đa số khách hàng. Dù Apple có cố gắng ra mắt máy ảnh, PDA và nhiều loại thiết bị khác nhưng Mac vẫn là sản phẩm chủ lực của công ty nên chuyện người tiêu dùng suy nghĩ như vậy cũng không phải là lạ.

Ngoài ra, Mac vẫn là một sản phẩm ngách dành cho một vài nhóm khách hàng nhất định, nó không thể đánh mass như HP, Dell, IBM và các công ty sản xuất PC chạy Windows khác trên thị trường nên có thể vẫn còn chưa nhiều người biết hay để ý tới Apple. Nhờ có iPod, người ta biết tới Apple nhiều hơn, biết được khả năng của Apple, biết được những giá trị mà Apple có thể mang tới cho người dùng cuối. Tất cả những thứ trên đều vô cùng giá trị khi Apple ra mắt những sản phẩm sau này, từ iPhone, iPod cho đến các dòng máy tính mới của họ.

Hoai_niem_iPod_thay_doi_thi_truong_nghe_nhac_MP3_2.png

Tính dễ dùng của sản phẩm Apple cũng được đánh giá cao, và đây là một trong những giá trị mà khách hàng biết rõ là họ sẽ có được khi bỏ tiền ra mua iPod, iPhone, iPad, Mac. "Sự thành công của Mac đến từ việc Apple tập trung vào người dùng thay vì chỉ làm công nghệ truyền thống. iPod mang triết lý đó lên thị trường điện tử tiêu dùng và kết quả là người dùng xem Apple như một công ty bán đồ công nghệ mua về là có thể sử dụng, bạn không cần bằng tiến sĩ để nghe được một bài nhạc", Jordan Selburn chia sẻ.

Apple trước khi có iPod cũng là một công ty hay bán đồ đắt tiền (giờ cũng thế, không khác lắm). Nhưng nhờ có iPod và sự bùng nổ của nó cũng như giá càng lúc càng thấp hơn với những model dành cho đủ các phân khúc từ rẻ tới mắc, người ta đã biết rằng Apple cũng có bán những món đồ mà họ có khả năng mua được. Và cũng nhờ iPod, khi người ta đi ngang qua Apple Store để xem iPod, họ cũng sẽ nhìn thấy được những thiết bị khác mà Apple có kinh doanh, và biết đâu có người sẽ thích chiếc MacBook đó thay cho chiếc máy tính Windows cũ của mình thì sao. Và rồi sau khi họ có iPod, Mac, họ sẽ mua iPhone, iPad. Đây gọi là "halo effect".

Điều đó càng diễn ra mạnh mẽ hơn khi iPod bắt đầu hỗ trợ cho máy tính Windows vào tháng 10 năm 2003. Lúc đó, những người đang đứng ngoài hệ sinh thái Apple cũng được dịp trải nghiệm iPod, những người dùng Windows gộc đó giờ cũng bắt đầu để ý hơn tới Apple và những sản phẩm được gắn logo quả táo, và họ là những khách hàng tiềm năng của Apple trong tương lai.
 

Tham khảo: Mashable

123

123

123

123

123
123