Sắp Tết rồi, điện thoại có những dấu hiệu này đổi ngay đi là vừa

10/12/2017

Mùa mua sắm cuối năm luôn là thời điểm rất nhộn nhịp, hầu hết mặt hàng đều có những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Điện thoại cũng vậy.

Dữ liệu gần đây nhất từ tạp chí Statista cho biết trung bình người dùng sẽ đổi điện thoại sau khoảng 22,7 tháng sử dụng, tức là chưa đầy 1 năm. Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta không nên thay đổi điện thoại chỉ dựa vào mặt thời gian, vì như vậy sẽ rất lãng phí. Vậy, dựa vào đâu để biết khi nào là lúc thích hợp cần phải sắm "dế" mới?

Điện thoại không chạy hệ điều hành mới nhất

Điều này người dùng Android có lẽ hiểu rõ nhất, hầu hết smartphone Android chỉ được hỗ trợ cập nhật sau hai phiên bản hệ điều hành. Ví dụ: Galaxy Note 5 ra mắt vào năm 2015 sử dụng Android 5 và phiên bản mới nhất là Android 7, tuy nhiên Samsung không hề có ý định cập nhật hệ điều hành của nó lên Android 8.

Đấy là một sản phẩm cao cấp còn những sản phẩm phổ thông đôi khi chỉ được hỗ trợ nâng cấp trong năm đầu tiên. Đối với iPhone thì thời gian hỗ trợ dài hơn, thường là 3-4 năm sau khi được bán ra thị trường. Hiện tại, phiên bản iOS mới nhất là iOS 11 và iPhone 5 không được cập nhật lên phiên bản này.

Ảnh hưởng lớn nhất tới điện thoại là suy giảm khả năng bảo mật. Ngoài việc thay đổi giao diện mới mẻ, bổ sung những tính năng hữu ích, hệ điều hành mới hơn sẽ có mức độ bảo mật tốt hơn, ngăn chặn các lỗ hổng mà hacker có thể tìm thấy và khai thác.

Hiệu suất suy giảm, thường xuyên quá tải

Theo thời gian, chiếc điện thoại của bạn từng một thời nhanh "chóng mặt" sẽ chậm "rề rề" khiến bạn cảm thấy khó chịu. Giống như việc con người già đi, không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như thời còn trẻ.

Phần mềm càng mới càng đòi hỏi phần cứng phải có hiệu năng cao hơn, vi xử lý mạnh hơn, bộ nhớ lớn hơn... Đó là điều khó tránh của những thiết bị điện tử. Để giúp chiếc điện thoại của bạn nhanh nhất có thể, hãy đảm bảo dành cho máy nhiều bộ nhớ trống, dọn dẹp kho chứa ảnh, video, xóa những ứng dụng không cần thiết, tắt các chế độ hình nền động... Nếu tất cả biện pháp đó đều không làm chiếc điện thoại của bạn tăng tốc, hãy tính đến việc mua một chiếc điện thoại mới đi là vừa.

Tuổi thọ pin giảm, thường xuyên sập nguồn

Pin luôn là yếu tố quan trọng nhất nuôi sống chiếc điện thoại. Sau khoảng 250 chu kỳ sạc, dung lượng pin sẽ giảm còn khoảng 73-84%. Hãy tìm và tải về máy các ứng dụng đo dung lượng pin thực tế (ví dụ: Battery Monitor Widget, Battery Life) để kiểm tra xem pin của bạn còn khoảng bao nhiêu %.

Nếu kết quả dưới 50%, tốt nhất bạn nên thay pin mới hoặc thay luôn điện thoại mới. Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp xác định theo nhu cầu, đó là khi nhận thấy chiếc điện thoại không đáp ứng đủ một ngày sử dụng bình thường của bạn, thì cũng đã đến lúc cần đổi điện thoại mới. Chẳng ai muốn một ngày phải sạc điện thoại nhiều hơn 2 lần cả.

Màn hình xuống cấp nghiêm trọng

Hiện nay rất nhiều điện thoại sử dụng màn hình OLED. Loại màn hình này có nhược điểm đó là xuất hiện hiện tượng "burn-in", tạo bóng trên màn hình sau một thời gian sử dụng. Lỗi này khá khó chịu và không thể khắc phục nên chỉ còn cách thay điện thoại mới.

Các loại màn hình khác cũng vậy, sử dụng lâu ngày sẽ phát sinh một số vấn đề, chẳng hạn như hở sáng, có điểm chết... Khi đã bị như vậy thì tốt hơn hết bạn nên thay điện thoại mới, bởi chi phí thay thế màn hình khá tốn kém mà độ bền sau khi thay không bao giờ được đảm bảo.

Móp, vỡ và những thiệt hại vật chất

Trong quá trình sử dụng, làm rơi điện thoại nhiều lần, những vết xước, nứt, vỡ hay cấn móp ở thân máy là điều không thể tránh khỏi. Có những thiết bị vỡ mặt kính camera vẫn còn được sử dụng, hay màn hình nứt mặc dù không ảnh hưởng tới lớp cảm ứng nhưng làm giảm trải nghiệm nhìn và có nguy cơ gây đứt tay người dùng khi sử dụng.

Ngoài ra, phím bấm lỏng lẻo, gioăng cao su bảo vệ máy bị hở, cổng sạc chập chờn... Tất cả đều là giấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần thay điện thoại mới.

123

123

123

123

123
123