28/07/2016
Tim Cook cũng nhắc đến về cú hích lớn của Pokemon Go - một tựa game khai thác công nghệ AR đang rất hot hiện nay và dự kiến sẽ mang lại cho Apple 3 tỉ đô trong vòng 2 năm tới. Ông nhấn mạnh rằng: "Điều quan trọng đầu tiên là cần phải đảm bảo các sản phẩm của chúng tôi hoạt động tốt với những sản phẩm AR đến từ các nhà phát triển như Pokemon và đây là lý do bạn thấy rất nhiều người dùng iPhone đang đua nhau săn tìm Pokemon."
Kế hoạch về công nghệ AR của Apple là điều đã được dự đoán từ trước. Hiển nhiên Apple đang sở hữu một hạ tầng mạnh dành cho các ứng dụng tăng cường thực tế (AR) và thực tế ảo (VR) đến từ phía thứ 3. Không chỉ có hàng tỉ thiết bị chạy iOS mà hầu hết chúng đều đang sử dụng các vi xử lý 64-bit như iPhone 6, 6S và iPhone SE cũng như thế hệ iPad mới. Các nền tảng phần cứng của Apple sẽ được tiếp thêm sức mạnh với iPhone 7 sắp ra mắt.
Những vi xử lý 64-bit của Apple mang lại đủ năng lực xử lý để khai thác các hàm API tăng tốc độ hoạ bằng phần cứng của iOS , Metal và các công nghệ cốt lõi như QuickTime, OpenGL, OpenCL, Core Audio, Quartz Composer, Core Video, Core Animation. Thêm vào đó là công nghệ camera cao cấp và màn hình chất lượng cao nên không khó hiểu khi nhiều người thích chơi Pokemon Go trên iOS.
Theo Computerworld, Apple và Sony là 2 hãng đã bắt đầu nghiên cứu về các thiết bị thực tế ảo đeo đầu từ năm 2008? Trước cả khi Eric Schmidt rời ban điều hành Apple và trước khi Google Glass được Sergey Brin giới thiệu. Vào thời điểm cách đây 8 năm, cha đẻ của iPod - Tony Fadell là người lãnh đạo các dự án VR của Apple trong nhiều năm.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Apple đã âm thầm đầu tư vào lĩnh vực VR từ lâu. Đầu tiên là việc Apple sở hữu rất nhiều sáng chế liên quan đến VR và một trong số các sáng chế đó đã được cấp bằng hồi năm ngoái, cụ thể là một thiết bị có thể biến iPhone hay iPod thành kính đeo thực tế ảo.
Năm 2015, Apple đã mua lại công ty chuyên phát triển công nghệ tăng cường thực tế Metaio của Đức và mới đây, Apple đã lần lượt thâu tóm các công ty công nghệ liên quan như Flyby Media - với công nghệ cho phép điện thoại "thấy" được thế giới xung quanh, Faceshift - một công ty gốc Thuỵ Sĩ tạo ra phần mềm đồ hoạ cùng tên cho phép chuyển đổi chuyển động của con người và mô phỏng trên hình ảnh 3D theo thời gian thực và Emotient - một công ty khởi nghiệp sở hữu công nghệ đọc cảm xúc khuôn mặt thông qua hoạt động phân tích cử chỉ bằng trí thông minh nhân tạo.
Trước đó Apple cũng đã đăng nhiều mẫu tin tuyển dụng các kỹ sư có thể theo đuổi các ý tưởng AR và VR. Thậm chí có thông tin Apple sở hữu một đội gồm hàng trăm người được tuyển chọn kỹ càng từ các công ty đã thâu tóm để phát triển thế hệ công nghệ kính thực tế ảo tiếp theo.
Apple đang gởi đi một thông điệp đến các lập trình viên rằng hãng đang sở hữu những sản phẩm có thể chạy tốt các ứng dụng VR. Nhưng thực tế thì có hàng tỉ thiết bị như vậy đang có mặt trên thị trường và việc Apple ngày một tập trung vào dịch vụ có nghĩa công ty muốn các lập trình viên của mình thành công. Và theo lời của Laura Martin - nhà phân tích đến từ Needham & Co.: "Apple là nền tảng phân phối toàn cầu dành cho những người chiến thắng về nội dung trên di động."
Theo Tinhte.vn