Lịch sử phát triển của iOS: những điểm nhấn quan trọng

06/09/2016

  • iPhone OS 1

Năm 2007, Steve Jobs đứng trên sân khấu giới thiệu iPhone và iPhone OS cùng nhau. Trong buổi lễ ra mắt, Jobs gọi hệ điều hành này là “OS X” bởi vì nó chia sẻ cùng một nhận Unix với phiên bản dành cho máy tính của Apple. Một năm sau khi Apple công bố iPhone SDK để các nhà phát triển có thể viết app thì công ty mới nhắc đến chữ “iPhone OS”.
Chiếc iPhone đầu tiên là một trong những thiết bị quan trọng nhất trong lịch sử công nghệ vì nó đã thay đổi cách mà smartphone được định hình, thay đổi cách giao tiếp giữa người dùng với điện thoại và thiết bị di động nói chung, cũng như mở đầu cho thời kì bùng nổ của mobile. Kiểu thiết kế của iPhone cũng như nhiều thành phần trong iPhone OS đã đặt nền tảng cho sự phát triển của giao diện người dùng hiện đại – một giao diện thân thiện hơn với ngón tay, đẹp hơn và dễ dùng hơn.

Riêng với iPhone OS, nó cho người ta thấy rằng một chiếc điện thoại, một thiết bị giải trí và một cỗ máy Internet hoàn toàn có thể đóng gói vào trong một thiết bị duy nhất, và bạn có thể bỏ thiết bị đó gọn gàng trong túi mình, và bạn sẽ thạt sự muốn dùng nó trong đời sống hằng ngày.

  • iPhone OS 2

Ngày 11 tháng 7 năm 2008, Apple giới thiệu iPhone OS. Đây là lần đầu tiên App Store xuất hiện trên hệ điều hành di động đồng, đồng thời các dịch vụ chạy nền liên quan đến định vị cũng được bổ sung để dùng chung với chiếc iPhone 3G có kết nối GPS. Apple cũng công bố bộ phần mềm MobileMe dựa trên điện toán đám mây là tiền thân cho iCloud sau này.

Nếu iPhone OS 1 đánh dấu một cú nổ lớn với thị trường thiết bị di động thì iPhone OS 2 đánh dấu sự thay đổi trong cách mà người dùng tiếp cận với phần mềm. App Store mở ra cả một ngành kinh tế một, một cơ hội kinh doanh màu mỡ cho tất cả những lập trình viên trên toàn thế giới. App Store cho phép người dùng tìm thấy nhiều app hơn, tải được đúng app mà mình cần hơn, cũng như dễ dàng tải lại những phần mềm đã mua khi thay đổi hoặc làm mới thiết bị. Một tháng sau đó, Android Market cũng ra đời, chính là tiền thân cho Play Store ngày nay.

iPhone OS 2 cũng là lần đầu tiên bộ SDK viết app được Apple ra mắt. Trước đó, ứng dụng cho iPhone buộc phải do Apple làm hoặc các đối tác riêng, những nhà phát triển còn lại chỉ có thể phân phối web app mà thôi. SDK xuất hiện khiến việc tạo app trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.

  • iPhone OS 3

Lại một bản cập nhật lớn của Apple dành cho hệ điều hành di động của mình. Chúng bao gồm những thay đổi như copy / paste, hỗ trợ MMS, tìm kiếm Spotlight, chia sẻ mạng di dộng. Đây cũng là lần đầu tiên push notiication có thể được dùng bởi các ứng dụng bên thứ ba.

iPhone OS 3 tuy có rất nhiều thay đổi nhưng lại là những bổ sung nhỏ nhỏ để làm cho nền tảng hoàn thiện hơn. Bạn có thể tưởng tượng OS 1 và OS 2 giống như một con dốc thẳng đứng mà Apple leo lên, còn OS 3 giống như một khoảng lài lài để dưỡng sức. Đáng chú ý nhất có lẽ là việc Apple mở notification cho ứng dụng bên thứ ba, mở ra một cách giữ chân người dùng hoàn toàn mới.

iPhone OS 3 cũng đưa ra một phong cách thiết kế mới mà Apple gọi là skeuomorphism, tức là mô phỏng lại một thứ gì đó ngoài thực tế thông qua app. Ngôn ngữ skeuomorphism xuất hiện rõ nét nhất trong ứng dụng newstand và ứng dụng Notes, vốn có thiết kế trông giống một cái sạp báo và một quyển sổ tay. iPhone OS 3.2 là phiên bản đầu tiên của iPhone OS hỗ trợ cho iPad, nó ra đời vào năm 2010.

  • iOS 4

Có gì mới ở iOS 4? Trước hết đó là cái tên. Apple đã chính thức bỏ chữ “iPhone” đi và chỉ còn giữ lại phần OS mà thôi, đồng thời thêm chữ “i” vào trước cho phù hợp với cách đặt tên sản phẩm của hãng. Đây cũng là động thái hợp lý khi mà iPhone OS giờ không chỉ dành cho iPhone, iPad mà còn cho cả iPad. iOS thực chất đã được Cisco đăng kí bảo hộ trước đó cho một dòng điện thoại, vậy nên Apple phải thương thuyết lại với Cisco để được quyền sử dụng thương hiệu này.

Ngoài ra, iOS 4 còn đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của FaceTime, dịch vụ gọi thoại hình ảnh của Apple. Kể từ khi ra mắt ngày 21/6/2010, FaceTime đến giờ vẫn là một trong những lý do mà rất nhiều người vẫn quyết định ở lại với hệ sinh thái Apple. iOS 4 cũng đưa vào tính năng quản lý đa nhiệm, một thứ đã được người dùng yêu cầu từ lâu và đối thủ Android cũng đã có. Lúc mới ra mắt, tính năng đa nhiệm của iOS bị đánh giá là giống các “thẻ” trong mô hình chạy multitasking của webOS do Palm sở hữu.

iOS 4 có thể xem là một trong những bản iOS quan trọng nhất vì nó định nghĩa chu trình phát triển phần mềm mà Apple tiếp tục sử dụng trong nhiều năm sau đó. Lấy ví dụ với FaceTime, Apple đã xây dựng nên một tương lai mới cho việc gọi video trên thiết bị di động. Những ứng dụng như Skype hay các công cụ chat trên máy tính vẫn phải mất nhiều năm sau đó mới đạt tới một mức đủ ổn định để người dùng có thể xài chúng trên điện thoại.

Với iOS 4, Apple cũng bắt đầu ngườiừng hỗ trợ cho những chiếc iPhone đời trước đó, bao gồm iPhone và iPod Touch đời đầu. Đây là lần đầu tiên hãng làm điều này. Những thế hệ iOS về sau, chúng ta tiếp tục thấy việc Apple bỏ dần những thiết bị mà hãng cho là không phù hợp để chạy các phiên bản hệ điều hành mới.

  • iOS 5

iOS bắt đầu tiến hóa dần dần và đưa vào những chức năng mà chúng ta vẫn còn sử dụng phổ biến tới ngày nay: Notification Center, iMessage, Siri.

Steve Jobs nói riêng và Apple nói chung rất tự hào về những màn trình diễn trên sân khấu của Siri, thời đó việc điều khiển thiết bị di động bằng ngôn ngữ tự nhiên vẫn còn là một thứ vô cùng mới mẻ, người ta chủ yếu chỉ dùng các câu lệnh theo cấu trúc thì máy mới hiểu được. Chính vì thế, màn hình trình diễn của Apple về Siri trên sân khấu dường như là những thứ không thể tin được, khi đó Google Voice hay Cortana của Microsoft thậm chí còn chưa xuất hiện. Google Voice của Android khi ấy chỉ nhận được các lệnh cơ bản mà thôi. Việc Siri có thể tự làm một số việc thay cho người dùng thật sự là một ý tưởng lạ lẫm vào năm 2011.

Bộ công cụ MobileMe trước đây cũng được thay thế bằng iCloud với nhiều chức năng hơn, hỗ trợ đồng bộ mạnh hơn giữa các thiết bị của Apple. iCloud có thể được xem như phát súng đầu tiên của Apple trong việc tiến vào thị trường điện toán đám mây và bắt dầu đưa những khái niệm về cloud đến với người dùng.

  • iOS 6

Nếu anh em còn nhớ thì iOS 6 là lúc Apple nói lời chia tay với Google, mối lương duyên nhiều năm giữa hai ông lón đã chính thức sụp đổ. iOS 6 không còn tích hợp sẵn YouTube và Google Maps nữa, điều đó đã làm không chỉ người dùng mà ngay cả Google cũng phải bất ngờ. Để thay cho Google Maps, Apple ra mắt dịch vụ bản đồ của riêng mình là Apple Maps.

Nhưng thật đáng tiếc, Apple Maps có quá nhiều lỗ hổng và vấn đề liên quan tới tính chính xác của dữ liệu nên đã bị chỉ trích rất nhiều. Mọi việc nghiêm trọng tới mức chính Tim Cook phải đưa ra lời xin lỗi người dùng vì đưa ra một thứ chưa hoàn chỉnh.

Về phần Google, sau khi biết ứng dụng bản đồ và YouTube của mình không còn được tích hợp sẵn vào iOS, họ đã tự xây dựng app của riêng mình. Google Maps và YouTube kể từ khi có app riêng đã phát triển theo hướng chung với Android, ngay cả ngôn ngữ thiết kế cũng theo cách của Google chứ không còn phụ thuộc vào Apple nữa.

Trong iOS 6, Apple cũng bắt đầu đưa ra khái niệm widget tuy nó vẫn còn rất đơn giản và không giống với widget của Android. Mở đầu là widget để đăng status nhanh lên Facebook và Twitter. Mãi về sau hãng mới mở API của widget ra cho các ứng dụng bên thứ ba cùng sử dụng. Siri cũng được nâng cấp mạnh mẽ để trở nên hữu ích hơn.

  • iOS 7

Sau nhiều năm theo đuổi phong cách thiết kế skeuomorphism, cuối cùng Apple cũng đã thay đổi hoàn toàn giao diện của iOS 7 bằng thiết kế phẳng hơn, đơn giản hơn và không còn cố gắng bắt chước theo những đồ vật ngoài đời nữa. Xu hướng phẳng hóa này cũng có thể nhìn thấy ở Android và Windows Phone tuy Apple không làm phẳng hoàn toàn như Google và Microsoft.

iOS 7 giống như một làn gió mới thổi vào người dùng iPhone, iPad và iPod Touch bởi vì họ được trải nghiệm một thứ hoàn toàn mới và khác lạ so với những gì họ từng thấy. Ngoài việc thiết kế lại icon, Apple cũng đưa những yếu tố trong mờ vào giao diện của iOS, bổ sung Control Center để truy cập nhanh các kết nối thường dùng và có cả AirDrop để gửi file cho nhau (trước đó AirDrop chỉ dành cho Mac). iOS 7 cũng có app Photos mới, iTunes Radio và cách sắp xếp mới cho giao diện đa nhiệm.

Tuy nhiên, gió mới không có nghĩa là người dùng nào cũng thích. Giao diện của iOS 7 bị nhiều người và chuyên gia chê là màu mè và kiểu cách, hiệu ứng nghiêng icon theo chuyển động cũng khiến một số người cảm thấy khó chịu.

  • iOS 8

Sau khi đã làm mới giao diện của hệ điều hành, Apple quay trở lại chu kỳ cập nhật iOS với những thay đổi để tăng mức độ tiện dụng của nền tảng. Đặc biệt, hãng rất chú trọng tới chuyện cho phép các nhà phát triển được truy cập nhiều hơn vào các thành phần hệ thống. Đây là lần đầu tiên Apple mở khả năng sử dụng bàn phím cho bên thứ ba, cũng như cho phép các lập trình viên làm widget và chia sẻ file giữa các ứng dụng với nhau.

Với iOS 8, Apple cũng ra mắt TestFlight, chương trình test app dành cho các lập trình viên. Trước đó, việc thử nghiệm app trên iOS khá hạn chế vì đòi hỏi thiết bị cài app beta phải được đăng kí với tài khoản Apple Developer Account. Còn với TestFlight, bạn chỉ cần cài một ứng dụng vào là xong.

Apple không chỉ có di động mà còn có máy tính. Điều đáng nói là hãng kiểm soát chặt chẽ cả hai hệ sinh thái này, vậy nên việc Apple xóa bỏ bức tường giữa iOS và OS X là chuyện sớm muộn cũng diễn ra. iOS 8 khởi động điều này bằng cách đưa ra tính năng Continuity để chuyển giữa các app từ điện thoại sang máy tính và ngược lại. Chức năng gọi điện, trả lời tin nhắn từ máy tính cũng được tích hợp vào iOS 8.

Với iOS 8, khoảng cách về khả năng tùy biến giữa iOS và Android đã được thu hẹp lại đáng kể. iOS vẫn chưa thể bằng Android về khoảng này, nhưng ít nhất Apple cũng cho phép người dùng làm được nhiều việc hơn mà không cần jailbreak máy.

  • iOS 9

iOS 9 tập trung vào 3 thứ: làm cho Siri thông minh hơn, Apple Music và 3D Touch. Siri được cập nhật một thứ mà Apple gọi là Proactive, nó được tích hợp vào Spotlight để gợi ý nhanh n hững nội dung, ứng dụng mà bạn hay sử dụng. Ứng dụng Notes, Transit, News cũng được thay đổi nhiều. Đặc biệt, iOS 9 còn hỗ trợ chạy đa nhiệm chia màn hình cho iPad. Đây cũng là một tính năng được công ty chú trọng khi ra mắt iPad Pro, mẫu tablet đầu tiên của Apple với màn hình trên 10”.

iOS 9 dường như là cách mà Apple đuổi theo các đối thủ. Windows 8 đã có chia màn hình từ năm 2012, Samsung cũng đã triển khai chức năng chia màn hình của riêng mình trên không chỉ tablet mà còn điện thoại. Proactive thì sở hữu cách hoạt động giống như Google Now.

Dù vậy, iOS 9 cũng có một thay đổi quan trọng là 3D Touch. Tính năng mới này hiện chỉ có cho iPhone 6s và 6s Plus nhưng khi phần cứng hỗ trợ 3D Touch đã phổ biến thì sẽ ngày càng có nhiều nhà phát triển đưa tính năng này vào app của mình.

  • iOS 10

iOS 10 đã có bản beta từ tháng 6 năm nay (2016) và sẽ ra mắt chính thức đâu đó trong tháng này. iOS 10 có thể xem như một đợt nâng cấp vừa vừa của iOS 9, chủ yếu để khắc phục những tính năng còn thiếu sót của nền tảng như cho phép Safari chạy hai cửa sổ, màn hình khóa được thiết kế mới hoàn toàn, hệ thống thông báo được làm cho dễ nhìn hơn và mang hơi hướng của watchOS.

Đặc biệt, Apple tập trung rất nhiều vào việc bổ sung chức năng mới cho nền tảng chat iMessage của mình, ví dụ như gửi chữ ẩn, cho khung chat nhỏ kiểu đang nói thì thầm hay nói to như đang hét, hỗ trợ mở rộng chức năng bằng app của bên thứ ba... Tất cả cho thấy Apple đang muốn biến iMessage thành một thứ có thể cạnh tranh được với các app chat OTT như Viber, Facebook Messenger hay WhatsApp. Nếu thành công, đây cũng sẽ là một nơi mà Apple có thể kiếm được tiền thông qua việc bán quảng cáo và bán nội dung.

Apple cũng bắt đầu chú trọng nhiều hơn tới mô hình thuê bao thay vì mua app một lần. Hãng tin rằng mô hình này sẽ giúp developer kiếm được nhiều tiền hơn và duy trì được mối quan hệ tốt hơn với khách hàng. Trước đây hãng chia 70% doanh thu cho nhà phát triển và giữ lại 30% cho các gói thuê bao, giờ đây hãng điều chỉnh lại chính sách đó là kể từ năm 2 trở đi, Apple chỉ giữ lại 15% tiền mà thôi. Chức năng search và quảng cáo trong App Store cũng được triển khai vào iOS 10 để giúp App Store cạnh tranh tốt hơn với Google Play.

123

123

123

123

123
123