11/06/2018
Vì sự cố nào đó, điện thoại của bạn bị rớt nước. Thể nào bạn cũng có suy nghĩ là "Chắc hư rồi đây! Lại sắp tốn tiền mua điện thoại mới. Haizzz"
Hãy thật bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó
Ngay khi điện thoại của bạn bị nhiễm nước, hãy cố gắng mang nó ra ngay khỏi nước càng nhanh càng tốt, điều này nghe có vẻ hơi thừa nhưng cũng cần nhắc đến, bởi chỉ cần một vài giây ngây người ra nhìn thì nước đã nhanh chóng xâm nhập vào điện thoại thông qua các khe hở được che chắn đơn giản. Tiếp theo, hãy theo dõi các bước dưới đây để tìm ra cách xử lý khi điện thoại rơi xuống nước.
Những điều cần làm ngay lập tức để cấp cứu cho chiếc điện thoại của bạn
1. Tắt nguồn
Việc đầu tiên phải cần làm là lấy chiếc điện thoại của bạn ra và tắt nguồn ngay lập tức. Ví dụ như bị trong trường hợp đang sạc thì hãy bình tĩnh rút sạc ra trước rồi hãy lấy điện thoại sau, nếu không sẽ có thể bị điện giật do điện thoại vẫn có khả năng nhận sạc từ nguồn điện. Vì khi tắt nguồn sẽ tránh được trường hợp nước len lỏi vào những bo mạch gây chạm và đứt mạch điện nếu điện thoại vẫn còn hoạt động, tồi tệ hơn là bạn sẽ gặp khó khăn trong việc sửa chữa hoặc máy sẽ bị giảm chất lượng.
Nhanh chóng tắt nguồn sau khi cứu điện thoại ra khỏi nước
2. Tháo pin, sim, thẻ nhớ
Có thể nói pin chính là “quả tim” của smartphone. Hãy tháo nắp lưng và lấy pin ra khỏi máy ngay lập tức, dùng khăn mềm khô để lau pin, sau đó để ở nơi thoáng mát cho pin nhanh khô. Nếu máy bạn là pin liền máy thì hãy tiếp tục thực hiện các bước sau.
Tháo sim, thẻ nhớ ra khỏi máy. Do thẻ nhớ và sim nhỏ nên việc lau khô sẽ dễ dàng hơn.
Sau đó có thể sử dụng một chiếc khăn khô mềm khác hoặc tăm bông để lau cổng sạc, cổng tai nghe, tất cả các cổng kết nối với phụ kiện…
3. Dùng gạo để hút ẩm
Gạo là nguyên liệu dễ tìm, vì có tính chất chống oxy hóa và tính năng hút ẩm cao, nên gạo sẽ hút nước ra khỏi điện thoại của bạn trong khoảng thời gian một đến hai ngày, tùy trường hợp nước vào nhiều hay ít.
Hãy để gạo phát huy tác dụng hút hết độ ẩm trong điện thoại trong vòng 48 giờ đồng hồ. Nếu có thể nên kiểm tra vài tiếng một lần và thay đổi góc độ đảm bảo điện thoại được hút ẩm toàn bộ bề mặt. Nên nhớ trong thời gian này, tránh nôn nóng mở nguồn để xem tình trạng máy.
4. Khởi động và kiểm tra máy
Kiểm tra lại điện thoại của mình sau khoảng thời gian hút ẩm xong, hãy dùng khăn bông hoặc tăm bông để vệ sinh sơ những lỗ cắm phụ kiện, những bụi gạo xung quanh máy, đảm bảo máy sạch sẽ, khô ráo hoàn toàn khi khởi động.
Nếu sau khi gắn pin, sim, thẻ nhớ vào, máy hoạt động bình thường bạn vẫn nên theo dõi tình trạng máy trong vài ngày tới để phát hiện ra các hư hoeng nếu có.
Nếu trường hợp đã gắn pin vào rồi nhưng máy không mở, hãy cắm sạc và kiểm tra thông báo sạc, ví dụ trong lúc sạc có tiếng kêu lạ hoặc nghe mùi khét thì nên rút sạc ra ngay lập tức. Nghĩa là pin của bạn đã bị hư hỏng, hãy thay pin mới và thử lại với máy. Trường hợp đã thay pin, nhưng vẫn mở nguồn không lên thì chứng tỏ điện thoại của bạn đã bị hỏng, lúc này cần tìm hiểu nơi sửa chữa điện thoại chuyên nghiệp để giúp bạn giải quyết vấn đề.
Những điều gì bạn không nên làm?
> Không nhận hoặc sử dụng điện thoại trong bất kì trường hợp nào.
> Không nhấn bất kỳ nút hoặc phím nào.
> Không nên cố gắng đập mạnh điện thoại để nước rớt ra.
> Không cố gắng thổi vào điện thoại để mong bay bớt nước. Việc làm này chỉ tạo nên áp lực khiến cho nước nhanh chóng xâm nhập vào các bộ phận khác bên trong điện thoại, gây thiệt hại nhiều hơn.
> Không dùng nhiệt để mong nước bốc hơi như máy sấy hoặc để điện thoại vào lò vi sóng. Bỏ vào tủ đông cũng là một cách không hay
Kiểm tra bảo hành khi máy bị dính nước
Hãy kiểm tra vạch chỉ thị tiếp xúc chất lỏng LCI (liquid contact indicator) trong điện thoại. Đó là một nhãn dính màu trắng mà khi bị dính nước sẽ trở thành màu đỏ. Các hãng sản xuất dán nhãn LCI lên sản phẩm để dùng làm thử nghiệm giấy quỳ khi xét điều kiện bảo hành. Trong hầu hết các trường hợp, hãng sản xuất có thể từ chối không sửa chữa hay thay thế điện thoại cho bạn nếu nhãn LCI đã bị tác dụng đổi màu. Vị trí nhãn LCI khác nhau tùy loại điện thoại, và các hãng sản xuất ngày nay thường dấu nhãn LCI này để khách hàng khỏi táy máy.
Trên đây là cách xử lý khi điện thoại rơi xuống nước nhằm giúp cứu điện thoại của bạn nếu chẳng may điện thoại của bạn xảy ra tai nạn. Nếu thấy hữu ích hãy share để mọi người cùng ghi nhớ những lời khuyên này nhé!