13/01/2020
Lẽ thường, khi các hãng quảng bá sản phẩm smartphone mới, điều đầu tiên chúng ta được nghe chính là cấu hình của sản phẩm, và những điểm nổi bật. Chúng có thể là màn hình HDR, tần số quét cao, có thể là SoC khủng, có thể là camera chụp thiếu sáng đẹp mắt, có thể là sạc nhanh chỉ chưa đầy 1 tiếng… Lối mòn hiện diện, khi các hãng đều lấy chúng ra để làm thứ thu hút khách hàng, khiến chúng ta nghĩ rằng những linh kiện khủng bên trong chiếc máy là cần thiết. Nếu từ đó suy ra thì, đáng lẽ chiếc smartphone bán chạy nhất thế giới phải là một con quái vật về hiệu năng, hiện diện đầy đủ những phần cứng cao cấp nhất.
Nhưng kỳ thực không phải thế. Chiếc điện thoại bán chạy nhất cả năm 2019 vừa rồi hóa ra lại là iPhone XR. Nó chẳng có màn hình Full HD, cũng chẳng dùng công nghệ AMOLED, tần số quét thì vẫn là 60Hz, sau lưng chỉ có một camera, và cũng không tặng kèm sạc nhanh khi mua máy.
Cớ làm sao lại như thế?
Với cấu hình như anh em đã biết, đáng lẽ ra theo cuộc chơi marketing quảng bá sản phẩm như các hãng điện thoại Android đang làm, iPhone XR phải thua xa những sản phẩm flagship hay flagship killer từ Samsung, Oppo hay Huawei. Thậm chí đến cả iPhone 7 Plus mình đang dùng cũng còn có màn hình Full HD và camera kép ở mặt sau nữa là! Đến năm 2019, Apple tiếp tục nâng cấp “nhẹ” iPhone XR để tạo ra iPhone 11. Màn hình công nghệ vẫn vậy, thay cụm camera kép cho phiên bản mới. Hiện giờ iPhone 11 đang đứng thứ 5 trong danh sách những chiếc điện thoại bán chạy nhất năm 2019.
Một cách phản biện cho nghịch lý điện thoại cấu hình thấp mà vẫn bán chạy có thể là, với iPhone, cấu hình không nhất thiết phải khủng như Android, khi hiệu năng của iOS là rất cao. Nhưng nếu nói như vậy, thì Apple cần gì phải sản xuất XS, XS Max hay 11 Pro Max bán ra thị trường nữa? Đối với nhiều người, iPhone XR giống như một bước cải lùi của Apple, chấp nhận thỏa hiệp về mặt cấu hình để đổi lại mức giá hợp lý cho anh em. Trước đây Apple cũng từng làm điều tương tự khi cho ra mắt iPhone 5c cùng 5S, nhưng không tạo ra được hiệu ứng như iPhone XR.
Có lẽ, đó chính là bài học cho các nhà sản xuất điện thoại Android. Cuộc đua cấu hình có lẽ không phải lúc nào cũng là điều cần thiết. Nhiều năm ròng, các hãng đều cạnh tranh với nhau bằng phần cứng khủng trang bị bên trong những chiếc smartphone chạy Android. Cũng thỉnh thoảng có ngoại lệ, như Moto X hồi năm 2013. Nhưng từ đó tới nay, quy luật vẫn là, phần cứng của một chiếc điện thoại năm sau mà không hơn phiên bản cùng tầm giá ra mắt năm trước thì xác định khó bán. Từ số nhân chip xử lý, đến số “chấm” trong cảm biến chụp hình, con số của RAM trang bị bên trong, và thậm chí cả con số mAh của cục pin nữa, không có ngoại lệ.
iPhone XR chứng minh, con số (à ngoại trừ số tiền để mua máy) không quan trọng.
Mỉa mai ở chỗ, anh em giờ chẳng còn quan tâm tới phần cứng khủng nữa, giữa thời điểm thị trường smartphone Android đang ở độ bão hòa. Màn hình 4K hay thời lượng pin khủng chẳng còn quan trọng như 3 năm về trước nữa. Tương tự như thế với hiệu năng SoC, khi giờ máy tầm trung chơi game vẫn ngon. Hãy thẳng thắn một điều rằng, một chiếc máy tầm trung có cảm biến 48 hay 64MP nhưng phần mềm xử lý ảnh tệ và ống kính chất lượng thấp hơn thì vẫn thua chất lượng ảnh chụp 12MP từ máy high end mà thôi.
Đen nhất có lẽ là Xiaomi. Họ cố gắng thay đổi cuộc chơi smartphone Android với Mi A3 ra mắt năm 2019, nhưng đen ở chỗ nào? Cũng chính Xiaomi từng nhấn mạnh khả năng của phần cứng khủng trong một chiếc smartphone flagship. Và rồi, chính bài marketing tiền hậu bất nhất của Xiaomi khiến Mi A3 bị chê vì chỉ có màn hình HD, trong khi iPhone XR thì bán chạy như tôm tươi dù màn hình độ phân giải cũng na ná.
Samsung và Google cũng có phiên bản tầm thấp của flagship, Galaxy S10e và Pixel 3a, nhưng cũng rơi vào tình trạng tương tự như Xiaomi khi sức hút từ S10 và Pixel 3 đều đến nhờ phần cứng cấu hình cao.
Ở những thị trường như Ấn Độ chẳng hạn, anh em sẽ thấy iPhone XR và 11 được quảng cáo với tần suất dày đặc hơn nhiều so với iPhone 11 Pro Max cao cấp. Ngay cả ở sự kiện giới thiệu sản phẩm mới, Apple cũng không nhấn sâu vào cấu hình của sản phẩm. Công bằng mà nói thì, họ cũng chẳng mấy khi đào sâu chuyện hiệu năng, chứ chẳng riêng gì bản giá rẻ. Có lần nào anh em thấy Apple công bố chính thức dung lượng RAM của một chiếc iPhone hay không? Thay vào đó, họ nhấn mạnh vào trải nghiệm sử dụng, thứ hiện hữu rõ ràng hơn khi dùng chiếc máy hàng ngày.
Phần cứng vẫn quan trọng, điều đó không cần phải phủ nhận. Apple vẫn có cả vài chục phút đồng hồ giới thiệu SoC A series mới mỗi lần iPhone mới ra mắt. Nhưng đối với chúng ta, chẳng riêng gì iPhone, mà ngay cả máy tính cũng vậy, nghe mãi những con số benchmark hay khả năng xử lý của phần cứng mãi cũng chóng nhàm. Những con số đó không phải lúc nào cũng cần đặt lên hàng đầu. Suy cho cùng, trải nghiệm máy ngon mới là thứ thu hút khách hàng, và tạo ra trải nghiệm ngon lành là thứ khó hơn nhiều, rất nhiều so với việc thiết kế để nhồi nhét phần cứng khủng vào một chiếc máy.