11/10/2017
Năm ngoái, khi Apple giới thiệu chiếc iPhone 7 Plus, họ đồng thời cũng giới thiệu một tính năng camera mới – một tính năng sau đó nhanh chóng trở nên nổi tiếng và được sao chép nhiều nhất trong các dòng sản phẩm của Apple: chế độ Chụp chân dung Portrait Mode.
Chế độ Portrait Mode sử dụng cụm camera kép của điện thoại và phần mềm của Apple để giả lập chất lượng ảnh chụp giống như khi bạn chụp ảnh bằng một chiếc máy ảnh DSLR, khi chủ thể của bức ảnh được làm nét và phần nền thì được làm mờ đi.
Ban đầu tính năng này được ra mắt ở phiên bản beta và là tính năng độc quyền cho chiếc iPhone 7 Plus. Nhưng giờ sau một năm ra mắt, chế độ Portrait Mode lại tiếp tục hiện diện trên chiếc iPhone 8 Plus mới. (Cũng như chiếc iPhone X sắp ra mắt vào tháng Mười Một tới.)
Dưới đây là cách chế độ Portrait Mode hoạt động, sử dụng nó như thế nào, và tại sao tính năng này chỉ hiện diện trên một vài chiếc iPhone và không phổ biến trên các dòng sản phẩm khác.
Chế độ Chân dung chỉ có mặt trên những phiên bản iPhone gần đây có chữ Plus, như iPhone 7 Plus và iPhone 8 Plus cũng như chiếc iPhone X sắp ra mắt – điều đó là vì một lý do đơn giản: Chế độ Chân dung của Apple đòi hỏi phải có cụm camera kép để hoạt động.
Năm 2016, một thời gian ngắn sau khi Apple giới thiệu chế độ Chân dung, các tính năng tương tự cũng bắt đầu hiện diện trên những chiếc flagship khác như: Samsung Galaxy Note8 (có tên gọi Live Focus) và Google Pixel (được gọi là Lens Blur).
Trong trường hợp những chiếc Pixel, vốn chỉ có một ống kính duy nhất, Google dựa vào phần mềm để thu được chất lượng tương đương chế độ Portrait Mode. Trong khi đó, ít nhất cho đến hiện nay, những chiếc iPhone của Apple vẫn cần có hai ống kính để hoạt động được. Vì vậy, nếu giả sử bạn mua một chiếc iPhone 8, nó sẽ không có khả năng tạo ra các bức ảnh ở chế độ Portrait Mode.
Chế độ Portrait Mode của Apple đòi hỏi phải có 2 ống kính vì mỗi ống kính có thông số khác nhau: một ống kính là lens góc rộng 12 Mpx, trong khi ống kính còn lại là lens tele 12 Mpx.
Khi chụp một bức ảnh ở chế độ Portrait Mode, hai ống kính được sử dụng cùng lúc cho hai mục đích khác nhau.
Trong khi, lens tele mới thực sự là ống kính chụp lại hình ảnh, còn lens góc rộng sẽ làm nhiệm vụ ghi lại dữ liệu về khoảng cách đến chủ thể, để sau đó dùng nó tạo ra một bản đồ về chiều sâu chín lớp.
Bản đồ chiều sâu do lens góc rộng tạo ra rất quan trọng với kết quả ảnh chụp, bởi vì nó giúp bộ xử lý tín hiệu hình ảnh của Apple hiểu được chỗ nào cần được làm nét, chỗ nào cần được làm mờ.
Hình ảnh trên biểu diễn một bức ảnh tiêu chuẩn của iPhone (bên trái) trông như thế nào và một bức ảnh chụp bằng chế độ Portrait Mode (bên phải) trông sẽ như thế nào. Nếu nhìn lướt qua, bức ảnh phía bên phải dường như đã được làm mờ phần cảnh nền, nhưng đây là lúc bản đồ chiều sâu phát huy tác dụng của mình.
Để làm bức ảnh trông tự nhiên, gần giống như được chụp từ được một chiếc máy DSLR thực sự, bộ xử lý hình ảnh của Apple đi qua từng lớp chiều sâu một và làm mờ chúng với các mức độ khác nhau. Đây cũng chính là cách Apple tạo nên hiệu ứng bokeh cho ảnh chụp bằng chế độ Portrait Mode của mình.
Lớp nào càng gần với chủ thể sẽ càng được làm nét nhiều hơn so với các lớp ở xa chủ thể hơn, và nếu bạn nhìn thật gần vào bức ảnh trên, bạn có thể thấy rằng: những vật thể ở gần cô gái – chủ thể của bức ảnh – như cành cỏ dài và tấm gỗ trên mặt đất, dễ nhận ra hơn vách đá ở phía xa xa đằng sau, vốn bị làm mờ thành một hình thù mờ mờ, tối tối.
Chế độ Portrait Mode hoạt động tốt nhất với người và các chủ thể tĩnh, ngoài ra tính năng này còn một số hạn chế khác: điều kiện ánh sáng trong khi chụp và khoảng cách đến chủ thể cần chụp.
Chế độ Portrait Mode hoạt động rất kém trong điều kiện ánh sáng yếu. Thậm chí nều ánh sáng quá tối, tính năng này thậm chí không hoạt động được, lúc này một thông báo sẽ hiện ra trong ứng dụng camera để cho bạn biết về điều đó.
Nó cũng không hoạt động nếu bạn đứng quá gần chủ thể cần chụp, lúc này điện thoại cũng sẽ phát ra cảnh báo để nhắc nhở. Để chụp được một bức ảnh ở chế độ Portrait Mode, bạn phải đứng cách chủ thể một khoảng cách tối thiểu là 19 inch (khoảng 48 cm).
Ngoài ra còn một điều khác bạn cần chú ý là, chế độ Portrait Mode hoạt động tốt nhất khi chủ thể và cảnh nền tương phản với nhau về ánh sáng và màu sắc. Ví dụ, nếu bạn chụp một tách café màu trắng trên một chiếc bàn trắng, cảm biến sẽ gặp khó khăn trong việc quyết định lấy nét vào đâu và vùng nào cần được làm mờ.
Apple muốn chế độ Portrait Mode dễ sử dụng nhất có thể - và vì vậy, nó còn có cả tính năng loại bỏ hiệu ứng ra khỏi bức ảnh nếu bạn không thích hình ảnh mà nó tạo ra.
Nếu bạn chụp một bức ảnh bằng chế độ Portrait Mode nhưng sau đó lại đổi ý, bạn có thể loại bỏ hiệu ứng làm mờ hậu cảnh này để trở lại bức ảnh ban đầu. Chỉ cần chọn bức ảnh, chạm vào nút edit, và sau đó chạm vào “Portrait” ở phía trên đầu màn hình. Bức ảnh sẽ trở lại giống như chụp bằng iPhone thông thường.
Chế độ Portrait Mode hiện đang có mặt trên chiếc iPhone 7 Plus, iPhone 8 Plus, và iPhone X. Trừ chiếc iPhone 7 Plus, hai thiết bị mới còn lại còn được trang bị thêm tính năng Portrait Lightning, cho phép dùng điều chỉnh nhân tạo ánh sáng xung quanh chủ thể để bổ sung các hiệu ứng khác.
Tham khảo Business Insider