29/05/2017
Apple nói rằng iPhone, iPad và iPod của chúng ta sẽ hoạt động tốt nhất ở tầm nhiệt độ từ 0 độ C đến 35 độ C. Ngoài khoảng này, pin của máy không còn giữ điện tốt như bình thường. Ở Việt Nam chúng ta thì những ngày nhiệt độ vượt qua con số 35 độ C cũng không phải là quá hiếm nên khi sử dụng bạn cũng cần lưu ý rằng để máy vào chỗ mát mẻ. Đặc biệt tránh để điện thoại dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Mình đã từng để điện thoại dưới nắng để xuống hồ bơi bơi, khi lên bờ cầm điện thoại sử dụng thì thấy nóng ran và pin tuột rất rất nhanh. Phải tắt máy đi, để yên đó cho nó nguội lại rồi cắm sạc thì mọi thứ mới trở lại bình thường.
Apple cũng dặn là anh em không nên sạc máy trong môi trường quá nóng vì có thể làm tổn hại đến khả năng lưu trữ điện của pin. Hay nói cách khác, thời lượng pin sẽ không còn lâu như lúc truốc nữa. Còn nếu anh em nào có đi nước ngoài mà phải dùng iPhone ở nhiệt độ rất lạnh, pin sẽ tuột nhanh hơn và điều này hoàn toàn bình thường, chỉ cần vào nhà, và xe hơi cho ấm lên một chút thì tình trạng sẽ tốt hơn.
Ghi chú: những lưu ý bên trên không chỉ áp dụng cho iPhone mà còn cho bất kì thiết bị nào xài pin Liti, nên anh em Android, Windows Phone mà có ghé qua topic này thì cũng lưu ý luôn nhé.
Sạc pin điện thoại khi đang bọc case sẽ làm máy khó giải nhiệt hơn, mà như anh em đã biết lúc sạc máy thường nóng hơn so với lúc sử dụng bình thường. Quay trở lại vấn đề ở trên, nhiệt độ quá cao sẽ làm tổn hại tới pin nên đây là điều mà anh em nên tránh. Nếu có thể bỏ case ra khỏi iPhone, iPad lúc sạc thì tốt, còn nếu lười quá thì lâu lâu đi ngang qua cũng nên rờ thử coi máy có bị quá nhiệt hay không. Nếu có thì hãy bỏ case.
Giả sử bạn vừa được tặng một con Android ngon và bạn sẽ dùng nó trong vài tuần tới, vậy là bạn rút SIM ra khỏi chiếc iPhone của mình và bắt đầu vui vẻ với cái máy mới. Khi ấy iPhone của bạn sẽ bỏ không, và để bảo đảm pin vẫn ngon ở lần tới bạn xài lại cái máy này thì chỉ nên tắt máy khi pin còn khoảng 50%. Nếu pin chưa đủ 50%, hãy sạc lên mức này, còn nếu đang có nhiều hơn thì hãy xài cho tới khi nó giảm xuống mức yêu cầu.
Apple, Nokia và các hãng đều giải thích như sau: khi bạn lưu trữ một thiết bị mà pin quá cạn, pin sẽ rơi vào trạng thái bị mất điện tích và về lâu dài sẽ không còn khả năng lưu điện. Ngược lại, nếu bạn trữ pin khi nó đầy, pin sẽ mất dần điện và dẫn tới thời gian dùng pin kém đi.
Một vài lưu ý khác: tắt máy đi khi không sử dụng, đặt máy trong một nơi mát mẻ và không ẩm thấp. Nếu bạn định lưu trữ điện thoại của mình lâu hơn 6 tháng, cứ mỗi 6 tháng cần phải lôi ra sạc một lần.
Mình vẫn thấy nhiều bạn đợi tới khi pin báo đỏ mới dám sạc iPhone hay iPad, thật ra điều này là không cần thiết. Pin Li-ion chỉ tính một vòng sạc khi nó xài hết 100% dung lượng, nên nếu bạn xài còn 70% rồi cắm sạc thì máy vẫn chỉ mới ghi nhận bạn dùng có 30% điện mà thôi. Ở lần kế tiếp khi bạn đốt thêm 70% pin nữa thì mới tính thành 1 cycle. Ngoài ra, việc để pin cạn quá mới sạc có thể dễ đến việc suy giảm khả năng lưu điện của iPhone, vụ này không chỉ Apple mà hãng smartphone cũng khuyên như vậy. Nói tóm lại, bạn chẳng cần phải để tâm lắm đâu, khi nào cần thì cứ sạc đầy máy xài cho sướng nhé.
Trong mỗi bản cập nhật, Apple thường cải thiện việc sử dụng pin của các ứng dụng và hệ điều hành nên khi Apple phát hành bản update mới, anh em hãy nâng cấp thiết bị của mình càng sớm càng tốt. Ví dụ như trong bản iOS 10.3.2 mới nhất, thời gian xài pin của điện thoại cải thiện được chút ít rồi đấy. Mới hôm qua có nghe vài anh em xài iPhone 6 và 6s nói rằng pin của iOS 10.3.2 ngon hơn nhiều so với trước.
Vụ này đã từng nói ở một số bài trước, nay nhắc lại cho anh em nào chưa rõ. Thỉnh thoảng mình vẫn hay thấy nhiều bạn đứng rảnh rảnh thì quẹt quẹt để tắt app. Không, bạn không cần làm trò đó, iOS đã giúp bạn xử lý rồi. Những ứng dụng nào đang không chạy nền sẽ được đưa vào một trạng thái nghỉ gọi là suspended, khi đó gần như app không còn chạy nữa trừ khi nó có một tiến trình chạy nền liên quan đến việc upload hình ảnh, download file hay chơi nhạc mà thôi. Việc bạn tắt thủ công app không giúp tiết kiệm pin hơn (do app đã không còn hoạt động tích cực), lần sau bạn mở lên cũng mất nhều thời gian hơn. Nói chung là việc đó đã được hệ điều hành lo, bạn không cần phải làm gì thêm.
Ghi chú: tất nhiên bạn vẫn có thể tắt app thủ công khi app bị đơ, đứng hay gặp lỗi nào đó cần reset.
Xuất hiện lần đầu tiên ở iOS 9, chế độ tiết kiệm điện (Low Power Mode) là một cách cực kì đơn giản để kéo dài thời gian dùng pin iPhone trong lúc chờ kiếm được chỗ sạc. Khi gần hết pin, bạn chỉ cần vào Settings > Battery, bật chế độ này lên là xong. Những chuyến đi du lịch xa tới tối mới quay về khách sạn, những lần tụ tập bạn bè đến khuya sau giờ làm, hay những khi cần xài máy nhiều mà chưa tiện kiếm chỗ sạc thì đừng quên Low Power Mode. Nó có thể kéo dài thêm từ nửa tiếng tới 1 tiếng xài pin, mà đôi khi chỉ cần vài phút là đã quý rồi.
Cụ thể hơn, tính năng Low Power Mode làm được điều này nhờ tắt chế độ download nền (ví dụ, Mail sẽ không còn tự push xuống), những chức năng AirDrop, iCloud sync hay Continuity cũng bị tắt đi để tiết kiệm pin. Bạn vẫn có thể check mail thủ công, gọi điện, nhắn tin, thậm chí chat chit bình thường. Khi điện thoại của bạn sạc đầy, Low Power Mode sẽ tự tắt đi để trả lại trải nghiệm tốt nhất có thể.
Sau một thồi gian cài nhiều app vào để vọc vạch đủ kiểu, mình phát hiện ra có nhiều ứng dụng mình đã không còn xài nữa, hay thậm chí là chưa mở lên bao giờ, nhưng vẫn đăng kí tiến trình chạy nền với iOS. Nói cách khác, chúng vẫn đang sử dụng năng lượng của máy mà bạn không hề hay biết. Bạn có thể kiểm tra danh sách những app này bằng cách vào Settings > General > Background App Refresh, chọn các app mong muốn rồi tắt chế độ sync nền đi. Cách tốt hơn nữa là gỡ hẳn app ra khỏi điện thoại luôn, xong.
Vì mình là người thường xuyên cần cập nhật thông tin nên mình không giới hạn update dữ liệu nền cho các app mà mình sử dụng nhiều, như Mail, Facebook, Slack, Telegram chẳng hạn. Nói chung là cứ xài thoải mái, chỉ cần tắt những cái nào bạn chẳng bao giờ đụng đến là đủ.
Tương tự như Background App Refresh, Background Location là chức năng cho phép một số app cập nhật địa điểm của bạn ngay cả khi bạn đang không mở app đó lên. Bạn có thể nhìn vào thanh status của iOS, nếu có biểu tượng mũi tên tức là có ứng dụng nào đó đang dùng vị trí để làm việc gì đó. Không phải app nào cũng cần cập nhật địa điểm liên tục, như mình chỉ có mỗi app bản đồ là cần làm trò đó mà thôi, những app còn lại tắt hết để tiết kiệm điện. Việc truy cập dữ liệu vị trí là một trong những cái gây hao pin nhất, vậy nên việc giảm thiểu những ứng dụng được phép dùng data này sẽ giúp cải thiện pin khá nhiều.